Chủ nhân của ngôi nhà này là một người chụp ảnh, yêu thích thiên nhiên, đặc biệt là rừng. Trước khi có con, anh sống đời sống như một kẻ du mục hiện đại; mùa đông quay về thành phố, sang xuân liền chuyển ra ngôi nhà trong rừng của bố mẹ. Đến khi sở hữu được mảnh đất rộng 20.000 mét vuông trong rừng, anh cũng chỉ mơ dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ, kết nối vào thiên nhiên xung quanh, hòa với môi trường sinh thái, có một phòng ảnh để mình có thể tá túc vào mùa đông và làm việc cùng những bức ảnh.
Về vật liệu, khi làm việc với kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà mang tên House Lo, anh cũng đưa ra ý tưởng rất rõ ràng từ đầu. Và họ đã cùng đi đến quyết định chọn lựa sử dụng hempcrete là vật liệu chính cho các mảng tường bao. Với các kiến trúc sư, lựa chọn hempcrete là một thử thách lớn nhưng cũng đầy hứng thú.
Cho đến thời điểm xây ngôi nhà này vào năm 2017, hempcrete vẫn chưa được sử dụng tại Cộng hoà Séc; mặc dù trong lịch sử xây dựng, sợi từ vỏ cây gai dầu (hemp shiv) đã được tìm thấy trong các trụ cột cầu tại Pháp từ thế kỷ thứ 6 và trong nhiều công trình kiến trúc khắp châu Âu thời Trung cổ.
Cấu trúc vỏ gai dầu không những có cấu trúc cứng tương tự gỗ mà còn có tính chất khống chế độ ẩm như thành phần gỗ. Thêm nữa, đây cũng là loại vật liệu nhẹ, dễ tạo hình, có tính “thở được” nên hiện tại rất được ưa chuộng sử dụng trong việc phục chế tại các công trình kiến trúc cổ.
Kiến trúc sư cho biết, hempcrete sẽ hóa thạch trong vòng vài năm và trong quá trình ấy nó sẽ hấp thụ CO2 từ môi trường xung quanh. Đây là vật liệu cách điện, chống cháy rất tốt; lại thêm đặc tính kháng khuẩn và chống nấm mốc.
Ngôi nhà House Lo nhìn từ bên ngoài có cấu trúc gồm một tấm mái gỗ mỏng gác trên hai khối vuông rỗng, tường bằng hempcrete, trên diện tích xây dựng là 195m2. Giữa hai khối vuông là không gian sinh hoạt chung có cả gian bếp, chỉ ngăn cách với thiên nhiên qua hai mảng cửa lùa kích thước lớn, vừa cho phép không gian bên trong hòa quyện tối đa với bên ngoài lại vừa như đóng khung cảnh quan lại trong một bức tranh tự nhiên.
Hai khối đá bao bọc các hạng mục gồm: lối vào, hai phòng ngủ và phòng tắm. Ngôi nhà còn có tầng hầm bê tông gồm: phòng ảnh, phòng câu lạc bộ, kho và nơi chứa những thiết bị kỹ thuật.
Phần mái nhà đưa ra khá rộng tạo hành lang thoáng đãng bao quanh ngôi nhà, tạo điều kiện cho chủ nhân có thể sinh hoạt bên ngoài phần lớn thời gian trong ngày. Mái gỗ được phủ một thảm xanh hòa vào màu xanh chung quanh và cách nhiệt tối đa.
Ngôi nhà đã trở thành một phần của cảnh quan thiên nhiên nơi nó tọa lạc. Bên trong nội thất, nền nhà trải bằng chất liệu anhydrit, đồ nội thất đóng từ ván ép, các thiết bị bếp bằng thép không rỉ, cùng với bề mặt của tường hempcrete tạo nên một dáng vẻ đơn giản và hiện đại mà vẫn ấm áp, thân thiện. Bố trí nội thất hướng đến việc công năng mỗi không gian được sử dụng tối đa cho sinh hoạt của gia đình có hai con nhỏ, đồng thời có thể biến thành một nơi nghỉ hè cho gia đình hay thậm chí một không gian sống tiện nghi cho đôi vợ chồng lớn tuổi sau này.
Kiến trúc sư Lina Koníček Bellovičová theo học ngành kiến trúc tại Cộng hoà Séc, trong quá trình học cô cũng ghi danh học tại Bauhaus Summer School (Đức) và thực tập tại Zurich (Thụy Sĩ). Cô từng làm việc tại văn phòng kiến trúc Tato (Nhật Bản).
Sau khi về lại Cộng hoà Séc, cô mở văn phòng thiết kế riêng, chuyên vào thiết kế nhà ở cá nhân và những công trình khu dân cư. Lina cho rằng mỗi ngôi nhà cô thiết kế là sự phản ánh nguyên dạng cá tính của chủ nhân ngôi nhà ấy. House Lo quả là một bằng chứng sống động cho triết lý thiết kế của Lina Bellovičová.